TỐNG QUAN VỀ CÁC CƠ CHẾ NHÂN QUYỀN LIÊN HỢP QUỐC VÀ SỰ THAM GIA CỦA VIỆT NAM

Bảo vệ và thúc đẩy các quyền con người ngày càng có vị trí nổi bật trong quan hệ quốc tế, được đề cập thường xuyên tại các diễn đàn đa phương và trong quan hệ song phương giữa các nước. Với chủ thể là con người nên dân chủ, nhân quyền có nội hàm rộng, được gắn kết vào hàu hết các vấn đề quốc tế: từ giải quyết xung đột, kiến tạo, gìn giữ hoà bình, không phổ biến vũ khí huỷ diệt, hoà giải dân tộc cho đến các vấn đề phát triển thương mại, văn hoá, dân số, môi trường, y tế và viện trợ phát triển.

Bảo đảm và thúc đẩy quyền con người cũng trở thành một trong ba trụ cột chính của Liên Hợp quốc (LHQ), bên cạnh lĩnh vực hòa bình - an ninh và hợp tác - phát triển1. Do đó, Liên hợp quốc có một hệ thống các cơ chế về bảo vệ và thúc đẩy quyền con người, được thể hiện ở bộ máy các cơ quan và quy tắc, thủ tục về thúc đẩy, bảo vệ quyền con người (được gọi chung là “UN Human Rights Bodies”[1] [2]). Dựa trên địa vị pháp lý, chức năng, nhiệm vụ và tổ chức bộ máy thì các cơ chế về quyền con người của Liên Hợp quốc được chia thành hai dạng: Các cơ chế được thành lập dựa trên Hiến chương Liên Hợp quốc (Charter - based bodies) và các cơ chế được thành lập dựa trên một số điều ước quốc tế quan trọng về quyền con người (Treaty - based bodies)[3]

1. Cơ chế dựa trên Hiến chương (Charter - based bodies)

1.1. Hội đồng Nhân quyền (HĐNQ) và các cơ chế trực thuộc:

1.1.1. Tổng quan về HĐNQ

Theo Nghị quyết số 60/251 ngày 03/4/2006 của Đại hội đồng (ĐHĐ) LHQ, HĐNQ là cơ quan trực thuộc ĐHĐ, có các chức năng, nhiệm vụ: (i) Đóng vai trò là một diễn đàn để đối thoại về những chủ đề cụ thể về quyền con người; (ii) Thúc đẩy các hoạt động giáo dục, nghiên cứu, dịch vụ tư vấn, trợ giúp kỹ thuật và xây dựng năng lực về quyền con người ở các quốc gia; (iii) Thúc đẩy việc thực thi đầy đủ các nghĩa vụ về quyền con người ở các quốc gia; (iv) Đưa ra những khuyến nghị với ĐHĐ LHQ về sự phát triển của luật quốc tế về quyền con người; (v) Thực hiện việc đánh giá định kỳ việc tuân thủ các nghĩa vụ và cam kết về quyền con người của các quốc gia; thông qua đối thoại và hợp tác để góp phần phòng ngừa những vi phạm quyền con người và phản ứng kịp thời với những tình huống khẩn cấp về quyền con người; (vi) hợp tác chặt chẽ với các chính phủ, các tổ chức khu vực, các cơ quan quyền con người quốc gia, các tổ chức phi chính phủ (NGO) trong các hoạt động về quyền con người[4].

HĐNQ bao gồm 47 nước thành viên, được phân bổ cân bằng theo khu vực địa lý[5]. HĐNQ báo cáo hoạt động hàng năm về tình hình bảo đảm quyền con người trên thế giới lên Đại hội đồng LHQ, có chức năng ra nghị quyết, quyết định hoặc xem xét tình hình nhân quyền tại các nước cụ thể. HĐNQ họp ít nhất 3 khóa thường kỳ/năm và có thể tổ chức các khóa họp đặc biệt nếu được ít nhất 1/3 số nước thành viên HĐNQ. Chủ tịch HĐNQ được các nước thành viên lựa chọn (thông qua đồng thuận hoặc bỏ phiếu) theo nhiệm kỳ 1 năm.

1.1.2. Các cơ chế trực thuộc HĐNQ

(i) Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát (UPR): là cơ chế liên chính phủ có nhiệm vụ rà soát tổng thể các vấn đề nhân quyền tại tất cả các nước thành viên LHQ, định kỳ 4,5 năm một lần theo nguyên tắc đối thoại, hợp tác, đối xử bình đẳng, khách quan, minh bạch, xây dựng, không đối đầu, không chọn lọc và chính trị hóa. Mục đích của cơ chế này là nhằm cải thiện tình hình nhân quyền và thúc đẩy các nước thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ, cam kết về nhân quyền; tăng cường năng lực thực thi nhân quyền cho các quốc gia thông qua tham vấn, hỗ trợ kỹ thuật và chia sẻ kinh nghiệm.

(ii) Các Thủ tục đặc biệt: là hệ thống các chuyên gia của LHQ, hoạt động với tư cách cá nhân và “độc lập”, có nhiệm vụ theo dõi, đưa ra các ý kiến tư vấn và có báo cáo công khai về tình hình nhân quyền theo từng lĩnh vực hoặc tại một số nước cụ thể, nhằm hỗ trợ HĐNQ trong việc bảo vệ và thúc đẩy nhân quyền trên thế giới. Cơ chế này đã có từ thời kỳ UBNQ trước đây và được HĐNQ tiếp tục duy trì, song có một số điều chỉnh nhất định, đặc biệt trong việc bổ nhiệm và giám sát hoạt động. Tính đến tháng 9/2020, HĐNQ có 55 thủ tục đặc biệt, gồm: 44 thủ tục theo vấn đề (thematic mandates) và 11 thủ tục về các nước cụ thể (country mandates). Việc thiết lập, gia hạn hoặc chấm dứt một “Thủ tục đặc biệt” phải được thông qua bằng một nghị quyết của HĐNQ. Văn phòng Cao ủy Nhân quyền LHQ có nhiệm vụ trợ giúp các Thủ tục đặc biệt thực hiện nhiệm vụ (cử người giúp việc với tư cách trợ lý, hậu cần và nghiên cứu), phối hợp với đại diện UNDP tại nước sở tại trong các chuyến thăm (country visit)...

(iii) Thủ tục khiếu nại: là cơ chế có chức năng xem xét theo quy trình kín các kháng thư của cá nhân hoặc tổ chức tố cáo một quốc gia thành viên LHQ vi phạm nhân quyền “thô bạo, có hệ thống”. Cơ chế này gồm 2 Nhóm làm việc: Nhóm làm việc về Kháng thư (WGS) gồm 5 thành viên là các chuyên gia do ủy ban Tư vấn của HĐNQ bầu ra và Nhóm làm việc về tình hình (WGS), gồm 5 thành viên là đại diện các quốc gia thành viên HĐNQ, được bầu trên cơ sở cân bằng địa lý. Theo quy trình, khi cá nhân hoặc nhóm tự cho là nạn nhân bị vi phạm nhân quyền gửi kháng thư tới Văn phòng Cao ủy Nhân quyền, WGC sẽ xem xét kháng thư theo các tiêu chí cụ thể. Các kháng thư được coi là đáp ứng đủ tiêu chí sẽ được gửi tới quốc gia liên quan. Trong thời hạn 3 tháng kể từ khi nhận được kháng thư, quốc gia liên quan càn cung cấp các thông tin trả lời cáo buộc nêu trong kháng thư; thời hạn này có thể kéo dài thêm nếu quốc gia yêu cầu hoặc do Nhóm làm việc quyết định.

(iv) Ủy ban Tư vấn: là cơ chế gồm các chuyên gia hoạt động với tư cách cá nhân, do các nước thành viên đề cử và được HĐNQ bầu bằng bỏ phiếu kín trên cơ sở cân bằng địa lý. Nhiệm vụ của ủy ban Tư vấn là: cung cấp ý kiến tư vấn hoặc nghiên cứu chuyên đề theo yêu cầu của HĐNQ. Ủy ban Tư vấn không có chức năng ra nghị quyết, quyết định hoặc xem xét tình hình nhân quyền tại các nước cụ thể. Trong khi thực hiện chức trách của mình, Uỷ ban Tư vấn có nghĩa vụ hợp tác chặt chẽ với các quốc gia, các cơ quan quốc gia về nhân quyền, các NGO. Các nước thành viên và quan sát viên HĐNQ, các tổ chức liên chính phủ, cơ quan nhân quyền quốc gia và các NGO có thể tham gia trực tiếp vào công việc của Uỷ ban tư vấn trên cơ sở các quy định trong Nghị quyết 1996/31 của ECOSOC và các tiền lệ tại UBNQ trước đây.

1.2. Cao ủy Nhân quyền LHQ

Cao ủy Nhân quyền LHQ được Đại hội đồng LHQ thành lập trên cơ sở kết quả Hội nghị Thế giới về Nhân quyền, với các nhiệm vụ chính là: (i) Thúc đẩy và bảo vệ việc thụ hưởng hiệu quả tất cả các quyền vãn hóa, kinh tế, xã hội, chính trị và dân sự; (ii) Cung cấp tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật và tài chính trong lĩnh vực nhân quyền cho các quốc gia có yêu cầu; (iii) Phối hợp các chương trình giáo dục và thông tin công cộng của LHQ trong lĩnh vực quyền con người; (iv) Góp phần vào việc loại bỏ những trở ngại đối với thực hiện đầy đủ các quyền con người, ngăn chặn các vi phạm nhân quyền trên toàn thế giới; (v) Thúc đẩy đối thoại với Chính phủ để đảm bảo sự tôn trọng các quyền con người, tăng cường hợp tác quốc tế để thúc đẩy và bảo vệ các quyền con người;

Văn phòng Cao ủy nhân quyền LHQ (OHCHR) ngoài trách nhiệm chính là phục vụ Cao ủy thực hiện các chức trách của mình trong việc thúc đẩy và bảo vệ quyền con người theo Hiến chương LHQ và các điều ước quốc tế về quyền con người, còn đóng vai trò thư ký cho các cơ quan theo dõi việc thực thi các công ước nhân quyền và HĐNQ.

Mối quan hệ giữa OHCHR và xã hội dân sự, trong đó các tổ chức NGO bảo vệ nhân quyền nói riêng, là một ưu tiên của Văn phòng kể từ khi thành lập. Công việc của toàn bộ các chương trình quyền con người, và đặc biệt là OHCHR, sẽ là không thể không có các yếu tố đầu vào, chuyên môn và tư vấn của các tổ chức NGO quốc tế, khu vực và quốc gia. NGO thường cung cấp cho các hệ thống LHQ về nhân quyền, cũng như OHCHR, với những nghiên cứu và báo cáo có giá trị. NGO thường là các đối tác của OHCHR trong đào tạo và giáo dục nhân quyền, và đóng một vai trò quan trọng trong việc theo dõi ở cấp quốc gia kiến nghị và quan sát của các cơ quan hiệp ước của LHQ và các thủ tục đặc biệt.

1.3. Ủy ban các vấn đề xã hội, nhân đạo và văn hóa của Đại hội đồng LHQ (gọi tẳc là ủy ban 3)

Trong bối cảnh nhân quyền ngày càng thu hút sự quan tâm của cộng đồng quốc tế, và là một trong ba trụ cột hoạt động của LHQ cùng với an ninh - hòa bình và hợp tác - phát triển, ủy ban 3 được Đại hội đồng giao nhiệm vụ xem xét các đề mục trong lĩnh vực xã hội, nhân đạo, nhân quyền. Một phần lớn hoạt động của ủy ban 3 tập trung vào việc xem xét các vấn đề nhân quyền, trong đó báo cáo hoạt động hàng năm của HĐNQ, báo cáo của các Thủ tục đặc biệt, và của các ủy ban Công ước về Nhân quyền.

Đồng thời, ủy ban 3 cũng thảo luận các nội dung về sự tiến bộ của phụ nữ, bảo vệ trẻ em, vấn đề người bản địa, đối xử với người tị nạn, chống phân biệt chủng tộc, quyền tự quyết cũng như nhiều nội dung quan trọng của phát triển xã hội như thanh niên, gia đình, người già, người khuyết tật, tội phạm, pháp lý hình sự và ngăn ngừa ma túy.

Tại các khóa họp hàng năm, ủy ban 3 xem xét khoảng 50 - 60 dự thảo nghị quyết, trong đó gần một nửa thuộc các đề mục nhân quyền. Theo thủ tục, các nghị quyết được thông qua bằng đa số thường hoặc thông qua không cần bỏ phiếu. Mỗi nước thành viên LHQ có 1 phiếu, giá trị ngang nhau. Tại mỗi khóa họp, ủy ban bầu ra Ban Điều hành gồm 1 Chủ tịch và 4 Phó Chủ tịch (đại diện cho 5 khu vực địa lý), trong đó 1 Phó Chủ tịch làm Báo cáo viên của ủy ban. Có một Ban Thư ký của ủy ban để giúp việc Ban Điều hành và đảm trách các công việc thủ tục, hậu cần khác.

1.4. Hội đồng Kinh tế - xã hội LHQ (ECOSOC)

ECOSOC là một trong sáu cơ quan chính của LHQ, là diễn đàn hàng đầu về đối thoại và xây dựng chính sách của LHQ trong lĩnh vực phát triển, xã hội và môi trường, thúc đẩy phát triển bền vững, và là diễn đàn theo dõi, điều phối việc thực hiện các cam kết quốc tế về phát triển, đặc biệt là các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ (MDGs) và các Mục tiêu Phát triển bền vững (SDGs).

Theo Hiến chương LHQ, ECOSOC có những chức năng và quyền hạn chính sau: (i) Thực hiện hoặc đề xuất những nghiên cứu, điều tra, báo cáo và khuyến nghị về các vấn đề quốc tế trong lĩnh vực kinh tế, xã hội, văn hóa, và giáo dục, y tế và những vấn đề liên quan khác; (ii) Đưa ra những khuyến nghị nhằm thúc đẩy tôn trọng và thực hiện quyền con người; (iii) Xây dựng các văn kiện và điều ước quốc tế về những vấn đề thuộc thẩm quyền; (iv) Điều phối hoạt động với những tổ chức chuyên môn của LHQ.

ECOSOC có các cơ quan trực thuộc quan họng như:

- Ủy ban về địa vị phụ nữ (Commissỉon on the Status ofWomen - CSW): có chức năng chuẩn bị các báo cáo và đưa ra các khuyến nghị cho Hội đồng về các vấn đề liên quan đến việc cải thiện các quyền của phụ nữ trong lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội và giáo dục; ủy ban đóng vai trò chính theo dõi việc thực hiện Chương trình hành động của Hội nghị TG lần thứ 4 về Phụ nữ (Bejing 1995).

- Ủy ban Phát triển Xã hội (Commỉssỉon for Social Deveỉopment - CSD): có chức năng tu vấn cho ECOSOC về những chính sách xã hội chung, và đặc biệt về tất cả những vấn đề xã hội mà các tổ chức chuyên môn liên Chính phủ không đề cập đến. Ủy ban còn có nhiệm vụ theo dõi việc thực hiện tiếp kết quả Hội nghị thượng đỉnh thế giới về phát triển xã hội họp tại Copenhagen năm 1995.

- Ủy ban các Tổ chức phi Chính phủ (Committee on Non-Governmental Organỉsatìons - CNGO): thẩm tra, xem xét và cấp quy chế tư vấn của ECOSOC cho các NGOs có đơn yêu cầu, giám sát hoạt động của các NGO có quy chế tư vấn theo quy định của Hội đồng, đưa ra những khuyến nghị về những gì các tổ chức NGO phải trình ECOSOC.

- Diễn đàn Thường trực về các vấn đề Bản địa (Permanent forum on Indỉgenous Issues): có nhiệm vụ cung cấp khuyến nghị về các vấn đề bản địa cho Hội đồng và thông qua ECOSOC cho các cơ quan của LHQ, các quỹ và chương trình phát triển để nâng cao nhận thức về các vấn đề cùa “Người bản địa”; thúc đẩy việc lồng ghép và phối hợp các hoạt động liên quan đến vấn đề bản địa trong hệ thống của LHQ.

2. Cơ chế dựa trên công ước (Treaty - based bodies)

Cơ chế này bao gồm các ủy ban giám sát việc thực hiện các công ước quốc tế cơ bản về quyền con người (gọi tắt là ủy ban Công ước), được thành lập trên cơ sở của chính các công ước đó (ngoại trừ Uỷ ban về các quyền kinh tế, xã hội, văn hoá được thành lập theo một Nghị quyết của Hội đồng Kinh tế Xã hội LHQ). Hiện tại, có tổng cộng 9 công ước quốc tế cơ bản về quyền con người[6]. Các ủy ban Công ước bao gồm:

- Ủy ban về xoá bỏ tất cả các hình thức phân biệt chủng tộc được thành lập theo Công ước Quốc tế về xoá bỏ tất cả các hình thức phân biệt chủng tộc (ICERD) năm 1965;

- Ủy ban Nhân quyền được thành lập theo Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị (ICCPR) năm 1966;

- Ủy ban về xoá bỏ sự phân biệt đối xử với phụ nữ được thành lập theo Công ước quốc tế về xoá bỏ tất cả các hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (CEDAW) năm 1979;

- Ủy ban về chống tra tấn được thành lập theo Công ước Chống tra tấn và các hình thức đối xử tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục khác (CAT) năm 1987;

- Ủy ban về các quyền kinh tế, xã hội, văn hoá được thành lập năm 1985 theo Nghị quyết 1985/17 của ECOSOC;

- Ủy ban về quyền trẻ em được thành lập theo Công ước về quyền trẻ em (CRC) năm 1989;

- Ủy ban bảo vệ quyền của những người lao động nhập cư và các thành viên trong gia đình họ được thành lập theo Công ước về bảo vệ quyền của những người lao động nhập cư và các thành viên trong gia đình họ (ICMW) năm 1990;

- Ủy ban về quyền của người khuyết tật được thành lập theo Công uớc về quyền của người khuyết tật (CRPD) năm 2007.

- Ủy ban về mất tích cưỡng bức được thành lập theo Công ước quốc tế về bảo vệ tẩt cả mọi người trong vấn đề mất tích cưỡng bức (CPED) năm 2010.

So với các cơ chế dựa trên Hiến chương thì các ủy ban Công ước có phạm vi chức năng hẹp hơn. Các ủy ban này được thiết lập với chức năng là giám sát, thúc đẩy việc thực hiện các công ước quốc tế về quyền con người, thông qua việc nhận, xem xét và ra khuyến nghị liên quan đến các báo cáo quốc gia về việc thực hiện các công ước này của những nước thành viên LHQ. Các ủy ban giám sát công ước bao gồm những chuyên gia độc lập có uy-tín, đạo đức và năng lực trong các lĩnh vực của công ước liên quan. Các chuyên gia này được lựa chọn thông qua bỏ phiếu ờ các ủy ban từ những người được các quốc gia thành viên đề cử (thường là công dân của nước mình). Khi được bầu là thành viên các ủy ban thì các chuyên gia hoạt động với tư cách cá nhân và có trách nhiệm hoạt động độc lập, không chịu sự chi phối của các quốc gia.

3. Sự tham gia và đóng góp của Việt Nam tại các cơ chế của LHQ về quyền con người

Với chủ trương nhất quán là tôn trọng, bảo vệ và thúc đẩy quyền con người, Việt Nam đã và đang tham gia tích cực, chủ động và có trách nhiệm tại các cơ chế của LHQ về quyền con người như HĐNQ, ủy ban 3 của ĐHĐ LHQ, ECOSOC nhằm mục tiêu chung là bào đảm và thúc đẩy quyền con người và những nguyên tắc cơ bản của luật quốc tế về nhân quyền.

3.1. Tham gia và đóng góp tại Hội đồng Nhăn quyền

Trên cơ sở đường lối đối ngoạị đa phương hóa và chủ động tích cực hội nhập quốc tế, Việt Nam đã tham gia đóng góp tích cực và chủ động hơn tại các Khóa họp của HĐNQ, cử đoàn cấp cao tham dự các Hội nghị cấp cao của các Khóa họp thường kỳ của HĐNQ, nổi bật là Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh tham dự và phát biểu tại Hội nghị cấp cao của Khóa họp thường kỳ lần thứ 22 (tháng 3/2013) và Khóa 25 (tháng 3/2014); Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh tham dự và phát biểu tại Phiên khai mạc Khóa 32 (tháng 6/2016)... Đặc biệt, Việt Nam đã được bầu làm thành viên HĐNQ nhiệm kỳ 2014 - 2016 với tỉ lệ ủng hộ rất cao (184/192 phiếu ủng hộ, là một trong những thành viên được bầu với số phiếu cao nhất lịch sử HĐNQ).

Với tư cách là thành viên HĐNQ nhiệm kỳ 2014 - 2016, Việt Nam đã tham gia trên tinh thần cởi mở, thẳng thắn, xây dựng và có trách nhiệm, đóng góp chủ động, tích cực vào các công việc HĐNQ, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Trong các cuộc thảo luận, Việt Nam luôn thể hiện cách tiếp cận toàn diện, đề cao đối thoại, hợp tác; khẳng định lập trường không ủng hộ chính trị hóa và can thiệp vào công việc nội bộ, khuyến nghị các bên liên quan nỗ lực đối thoại, hợp tác nhằm tìm giải pháp phù hợp cho các bên liên quan; thúc đẩy những nội dung thuộc quan tâm, lợi ích chung của các nước đang phát triển và cũng là những nội dung Việt Nam có lợi ích trực tiếp như quyền kinh tế, xã hội, văn hóa, phát triển bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu, quyền của các nhóm dễ bị tổn thương...

Việt Nam cũng tăng cường kênh tham vấn song phương với các nước tại HĐNQ trên nhiều vấn đề cùng quan tâm, qua đó lồng ghép nội dung về hợp tác tại HĐNQ trong các khuôn khổ họp tác song phương, đặc biệt trong các cuộc đối thoại song phương về nhân quyền với Mỹ, EU, Thụy Sỹ, Na Uy và úc. Mỹ, Nga thậm chí còn cử đoàn từ trong nước sang Việt Nam để trao đổi về HĐNQ. Một điểm đáng chú ý nữa là trong 3 năm Việt Nam đảm nhiệm vị trí thành viên HĐNQ, không có nước nào phát biểu chỉ trích công khai tình hình nhân quyền tại Việt Nam tại các Khóa họp của HĐNQ.

3.2. Hợp tác với các Thủ tục đặc biệt

Cùng với việc tham gia tích cực vào các công việc cùa HĐNQ, Việt Nam còn chủ động trao đổi, đối thoại với các Thủ tục đặc biệt của HĐNQ và mời một số Thủ tục đặc biệt vào thăm Việt Nam. Từ năm 2011 đến nay, Việt Nam đã đón 5 thủ tục đặc biệt của HĐNQ[7], gồm Chuyên gia độc lập về nợ nước ngoài (tháng 3/2011), Báo cáo viên đặc biệt về quyền được hường thụ những tiêu chuẩn cao nhất có thể về y tế (tháng 12/2011), Báo cáo viên đặc biệt về quyền văn hóa (tháng 11/2013), Báo cáo viên đặc biệt về tự do tôn giáo và tín ngưỡng (tháng 7/2014), Báo cáo viên đặc biệt về quyền lương thực (tháng 11/2017). Hiện, Việt Nam cũng đang chuẩn bị đón Báo cáo viên đặc biệt về quyền phát triển vào thăm Việt Nam vào thời điểm thích hợp và sẽ xem xét đón một số Thủ tục đặc biệt khác trong thời gian tói.

Qua các chuyến thăm này, các Thủ tục đặc biệt được tiếp xúc với đại diện các cơ quan chính phủ, tổ chức phi chính phủ và cá nhân liên quan nhằm tìm hiểu tình hình thực tế về bảo đảm quyền con người trên những lĩnh vực cụ thể tại Việt Nam. Nhìn chung, các chuyến thăm đã diễn ra thuận lợi; các cuộc trao đổi, làm việc được tiến hành trên tinh thần thẳng thắn, xây dựng. Tại phiên báo cáo về chuyến thăm Việt Nam của cảc Thủ tục đặc biệt ờ HĐNQ, hàu hết các Thủ tục đặc biệt đều đánh giá cao tinh thần hợp tác, quyết tâm chính trị, các chính sách và biện pháp mà Việt Nam đã thực hiện, đồng thời đưa ra những khuyến nghị mang tính xây dựng nhằm bảo đảm tốt hơn các quyền con người. Đặc biệt, Báo cáo viên đặc biệt về quyền văn hóa trong chuyến thăm Việt Nam tháng 11/2013 rất ấn tượng trước sự đa dạng văn hóa giữa các vùng miền, các nhóm cộng đồng tại Việt Nam; đánh giá cao thành tựu Việt Nam đã đạt được trong bảo đảm và phát huy quyền văn,hỏa cho tất cả người dân.

Có thể nói, việc tăng cường đối thoại và đón các Thủ tục đặc biệt của HĐNQ vẫn là một chủ trương đúng đắn, góp phần thể hiện thiện chí hợp tác, đối thoại cởi mở của Việt Nam trong quan hệ với các cơ chế này và tuyên truyền thành tựu, chính sách và nỗ lực của Việt Nam trong bảo đảm quyền con người thời gian qua.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng nghiêm túc trả lời đầy đủ và đúng hạn các kháng thư liên quan đến Việt Nam nhằm phản bác những thông tin sai sự thật, xuyên tạc về tình hình nhân quyền Việt Nam. Hàng năm, Việt Nam nhận được từ 10 - 15 kháng thư từ các Thủ tục đặc biệt đề nghị làm rõ về các cáo buộc vi phạm nhân quyền tại Việt Nam. Trong phần lớn các trường hợp, Việt Nam đã kịp thời cung cấp thông tin, đấu tranh, vận động các thủ tục đặc biệt đón các hồ sơ này. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, do có khác biệt về giá trị, cách tiếp cận hoặc do chịu sức ép từ các nước phương Tây, các tổ chức quốc tế về nhân quyền nên các thủ tục đặc biệt vẫn có kết luận tiêu cực về tình hình Việt Nam.

3.3. Thực hiện nghiêm túc nghĩa vụ theo các công ước về quyền con người mà Việt Nam là thành viên

Tham gia vào các công ước quốc tế về quyền con người là một chủ trương nhất quán của Việt Nam kể từ khi thống nhất đất nước, thể hiện cam kết cũng như quyết tâm của Việt Nam trong việc bảo đảm và thực hiện các chuẩn mực quốc tế về quyền con người. Tính đến nay, Việt Nam đã trờ thành thành viên của 7 trên 9 công ước quốc tế cơ bản của LHQ về quyền con người[8]. Trong quá trình đó, Việt Nam đã nghiêm túc thực hiện các nghĩa vụ của các công ước này, đặc biệt là việc đệ trình và bảo vệ thành công các báo cáo quốc gia liên quan đến các công ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Như vậy, về cơ bản, Việt Nam đã thực hiện nghiêm túc và đầy đủ nghĩa vụ thực hiện các báo cáo quốc gia về việc thực thi các công ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam là thành viên, với sự tham gia đầy đủ của tất cả các Bộ, ban, ngành, cơ quan liên quan và các tổ chức NGO trong và ngoài nước. Việc hoàn thành một khối lượng công việc lớn để đệ trình các báo cáo quốc gia đã được các ủy ban Công ước cũng như cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao, góp phần thể hiện Việt Nam là thành viên tích cực và có trách nhiệm của LHQ. Trong thời gian tới, Việt Nam sẽ tiếp tục nghiên cứu khả năng gia nhập hai Công ước quốc tế cơ bản về quyền con người còn lại là Công ước về chổng cưỡng bức mất tích (CPED) và Công ước về quyền của người lao động di cư và gia đinh họ (CMW).

3.4. Hợp tác và đấu tranh với Văn phòng Cao ủy Nhân quyền LHQ

Với Văn phòng Cao ủy Nhân quyền LHQ (cả trụ sở chính ở Geneva, Thụy Sỹ và Văn phòng khu vực Đông Nam Á ở Bangkok, Thái Lan), Việt Nam đã chủ động tăng cường tiếp xúc, trao đổi thông tin nhằm tăng cường hiểu biết, giảm thiểu khác biệt cũng như kịp thời phản bác những thông tin sai lệch về tình hình nhân quyền tại Việt Nam.

Việt Nam duy trì trao đổi thường xuyên với Văn phòng Cao ủy Nhân quyền LHQ tại Geneva qua nhiều hình thức khác nhau (Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Việt Nam gặp trực tiếp Cao ủy Nhân quyền LHQ; Phái đoàn Việt Nam tại Geneva gửi công hàm/thư điện tử cho Văn phòng Cao ủy Nhân quyền LHQ...), chủ động trao đổi trên nhiều vấn đề như tình hình bảo đảm quyền con người tại Việt Nam, việc tăng cường hiệu quả các công việc tại HĐNQ, vấn đề trả lời các kháng thư liên quan đến Việt Nam... Ngoài ra, kể từ năm 2011 đến nay, hàng năm Việt Nam cũng đón đại diện của Văn phòng Cao ủy Nhân quyền LHQ khu vực Đông Nam Á vào thăm và làm việc tại Việt Nam để trao đổi về tình hình bảo đảm quyền con người tại Việt Nam và khả năng tăng cường hợp tác kĩ thuật trên lĩnh vực quyền con người (tổ chức Hội thảo, Khỏa tập huấn về quyền con người).

Bên cạnh việc tăng cường trao đổi, hợp tác với Văn phòng Cao ủy Nhân quyền LHQ, Việt Nam cũng chủ động, kịp thời phản bác những phát biểu, động thái thiếu khách quan của Văn phòng (cả ở Geneva và Bangkok) về tình hình Việt Nam. Việt Nam đều có hình thức gặp đại diện Văn phòng hoặc gửi công hàm nêu rõ hành vi phạm tội của họ, đề nghị Văn phòng Cao ủy Nhân quyền LHQ hành xử đúng với chức năng, nhiệm vụ của mình, có cách tiếp cận cân bằng và không sử dụng những thông tin một chiều, chưa được kiểm chứng. Đặc biệt, Việt Nam đã có phản ứng mạnh sau khi Người phát ngôn Văn phòng Cao ủy Nhân quyền LHQ ra thông cáo cáo buộc Việt Nam “đàn áp những người biểu tình vì sự cổ môi trường miền Trung” vào ngày 13/5/2017[9].

4. Một số đề xuất tăng cưcmg sự tham gia của Việt Nam tại các cơ chế nhân quyền LHQ trong thời gian tới

Về phương hướng chung, ta tiếp thục tham gia theo hướng thể hiện Việt Nam là thành viên có trách nhiệm, đóng góp vì mục tiêu và ước vọng chung của cả nhân loại về một cuộc sống tốt đẹp hom cho mọi người. Tại các diễn đàn LHQ, ta phối hợp cùng các nước đồng quan điểm thúc đẩy hoạt động của LHQ theo các hướng sau: (i) Tiếp cận một cách toàn diện các nhóm quyền kinh tế, xã hội, văn hoá, dân sự, chính trị; (ii) Kết hợp hài hoà giữa các nguyên tắc của luật pháp quốc tế với những điều kiện đặc thù về lịch sử, chính trị, kinh tế, xã hội, văn hoá, tôn giáo, dân tộc của các quốc gia; (iii) Tôn trọng và bảo đảm các quyền trước hết là trách nhiệm của từng quốc gia, không nước nào có quyền áp đặt mô hình, giả trị về chính trị, kinh tế, văn hoá của mình cho nước khác.

Với các cơ chế nhân quyền của LHQ, ta thể hiện thái độ hợp tác, đối thoại, sẵn sàng cung cấp các thông tin theo yêu cầu, để giải tỏa các quan tâm, trong một số trường hợp ta có thể chủ động hơn trong việc trao đổi và cung cấp thông tin với các cơ chế, quan chức của LHQ thể hiện sự chủ động, thái độ có trách nhiệm.

Với các điều ước quốc tế về quyền con người, một mặt, ta tập trung thực hiện ngày một tốt và đầy đủ hơn các nghĩa vụ của quốc gia thành viên, nhất là nghĩa vụ báo cáo định kỳ, mặt khác ta cần nỗ lực để tham gia thêm các điều ước quốc tế về quyền con người, có thể ưu tiên Công ước về quyền của lao động di cư và các thành viên gia đình họ, tạo thêm cơ sở cho việc bảo vệ quyền của các công dân Việt Nam lao động tại nước ngoài. Bên cạnh việc tăng cường ứng cử tham gia trên tư cách thành viên tại các cơ quan về quyền con người, ta cũng cần tham gia tích cực hơn vào một số vị trí phù hợp trong ban điều hành của các khoá họp, phiên họp như Phó Chủ tịch, báo cáo viên (rapporteur).

Về các vấn đề cụ thể, ta thể hiện lập trường và sự tham gia tích cực trên các vấn đề ta có thế mạnh như bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ, bảo vệ trẻ em, quyền của người khuyết tật, quyền người lao động di cư, vấn đề người cao tuổi; chống buôn bán người, đặc biệt là trẻ em; hợp tác về tìm kiếm cứu nạn, hỗ trợ nhân đạo, ứng phó thiên tai, khắc phục thảm hoạ; thúc đẩy hợp tác trên các vấn đề y tế, sức khoẻ cộng đồng như phòng chống dịch bệnh ở mức độ nguy hiểm thấp hơn, an toàn, vệ sinh thực phẩm, nâng cao khả năng tiếp cận thuốc...

Đối với một số vấn đề phức tạp, nhạy cảm, đặc biệt là các quyền dân sự, chính trị (tự do ngôn luận, báo chí, tự do lập hội, tự do tín ngưỡng, tôn giáo), quản trị tốt; cải cách, hài hoà hoá hệ thống pháp luật, nâng cao năng lực thể chế..., ta tiếp tục duy trì đối thoại thẳng thắn nhằm tăng cường hiểu biết, thu hẹp các khác biệt, đồng thời kiên quyết đấu tranh với các hành vi lợi dụng vấn đề dân chủ, nhân quyền để chổng phá ta.

Đối với các bộ, ngành, cần tăng cường vai trò chủ trì, điều phối và sự chủ động trong việc thực hiện các công ước về nhân quyền; tăng cường cơ chế hợp tác, phối hợp, chia sẻ thông tin giữa các Bộ, ngành, đặc biệt là trong việc xây dựng các Báo cáo thực thi các Công ước và triển khai các khuyến nghị UPR; có kế hoạch, lộ trình đào tạo, bồi dưỡng chuyên gia để ứng cử vào các cơ chế nhân quyền LHQ (các ủy ban Công ước và Ban thư ký).   

VIỆT NAM ỨNG CỬ HỘI ĐỒNG NHÂN QUYỀN LIÊN HỢP QUỐC

Chính phủ Việt Nam đã quyết định ứng cử vào HĐNQ LHQ nhiệm kỳ 2023-2025 với mong muốn đóng góp tích cực, trách nhiệm và hiệu quả hơn vào nỗ lực chung thúc đẩy và bảo vệ quyền con người trên thế giới. Việt Nam đã được Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) nhất trí ủng hộ là ứng cử viên duy nhất của Hiệp hội cho vị trí này. Một số nội dung cần nhấn mạnh trong tuyên truyên về việc ứng cử của Việt Nam:

Việt Nam tôn trọng các giá trị quyền con người

Việt Nam chia sẻ quan điểm quyền con người mang tính phổ quát, là khát vọng và giá trị chung của toàn nhân loại, cùng những nội dung quan trọng tại các tuyên bố của LHQ, các điều ước quan trọng về quyền con người. Việt Nam ủng hộ đối thoại, hợp tác giữa các nước và tại các cơ chế đa phương LHQ về quyền con người nhằm chung sức đem lại cuộc sống tốt đẹp hơn của mỗi người dân. Trong quá trình đó, Việt Nam cho rằng cần thúc đẩy và bảo vệ các quyền con người một cách toàn diện, tổng thể trên các lĩnh vực dân sự, chính trị cũng như kinh tế, văn hóa, xã hội, phát triển, phù hợp các chuẩn mực quốc tế được thừa nhận chung đồng thời tôn trọng các quy định pháp luật liên quan của mỗi nước.

Hiến pháp Việt Nam năm 2013 dành riêng một Chương gồm 36 Điều chế định trực tiếp và quy định rõ ràng các quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Từ đó đến nay, Việt Nam đã bổ sung, sửa đổi hoặc ban hành mới hơn 100 văn bản luật, pháp lệnh liên quan đến bảo đảm quyền con người, quyền công dân, trong đó có một số đạo luật quan trọng như Bộ luật Hình sự 2015, Bộ luật Dân sự 2015, Luật trưng cầu ý dân 2015, Luật trẻ em 2016, Luật trợ giúp pháp lý 2017, Luật an ninh mạng 2018, Bộ luật Lao động sửa đổi 2019...

Một số thành tựu về quyền con người đáng chú ý

Trong những năm qua, Nhà nước Việt Nam đã triển khai các biện pháp đồng bộ, ưu tiên dành nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống của người dân. Các thành tựu về phát triển kinh tế, xã hội và việc tăng cường hội nhập quốc tế đã tạo ra các điều kiện vật chất và nguồn lực để Việt Nam bảo đảm ngày càng tốt hơn các quyền và tự do cơ bản của người dân.

Việt Nam đã hoàn thành trước hầu hết các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ (MDG) và đang tích cực triển khai thực hiện các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDG). Trước những diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, Việt Nam đã nhanh chóng đưa ra các chính sách, biện pháp đồng bộ, hiệu quả. Trong đó, kiểm soát dịch bệnh là ưu tiên hàng đầu nhằm bảo vệ sức khỏe, bảo đảm quyền tối thượng là quyền được sổng của người dân; đồng thời thực hiện hiệu quả, đồng bộ các giải pháp giảm thiểu tác động của dịch đối với nền kinh tế, duy trì và phục hồi sản xuất kinh doanh, bảo đảm việc làm, an sinh xã hội và đời sống của người dân, nhât là những người dễ bị tổn thương.

Việc bảo đảm các quyền con người của Việt Nam được thực hiện phù hợp với các chuẩn mực quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Việt Nam hiện là thành viên của 07 trên 09 Công ước quốc tế quan trọng về quyền con người[10]. Việt Nam cũng là thành viên của 25 Công ước của Tổ chức Lao động quốc tế, trong đó có 7/8 Công ước cơ bản; đang nghiên cứu phê chuẩn Công ước cơ bản còn lại là Công ước 87 về Quyền tự do hiệp hội và về việc bảo vệ quyền được tổ chức. Việt Nam luôn thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các cam kết nghĩa vụ theo các công ước này, trong đó có nghĩa vụ báo cáo tình hình thực thi các Công ước tại Việt Nam.

Việt Nam tham gia các nỗ lực quốc tế vì quyền con người

 Thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hoà bình, hợp tác và phát triển, đa phương hoá, đa dạng hoá quan hệ, chủ động hội nhập quốc tế, Việt Nam đã và đang tích cực tham gia vào tiến trình hợp tác quốc tế, khu vực, đa phương và song phương trên nhiều lĩnh vực, trong đó có việc thúc đẩy và bảo vệ quyền con người.

Về song phương, Việt Nam chủ trương thúc đẩy hợp tác và đối thoại nhằm chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, tăng cường hiểu biết lẫn nhau, hỗ trợ nâng cao năng lực để thực hiện tốt hơn việc đảm bảo các quyền con người ở Việt Nam và các nước liên quan.

Ở khu vực Đông Nam Á, Việt Nam đã có những đóng góp thiết thực nhằm tăng cường đoàn kết và hợp tác trong Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) về quyền con người, đặc biệt trong quá trình xây dựng Hiến chương và Cộng đồng ASEAN, Tuyên ngôn Nhân quyền ASEAN, thành lập và hoạt động của các cơ chế ASEAN liên quan đến quyền con người2, qua đó khẳng định các cam kết của ASEAN về thúc đẩy và bảo vệ quyền con người trong khu vực phù hợp với các chuẩn mực quốc tế được thừa nhận chung, tạo khuôn khổ cho việc tăng cường hợp tác trong ASEAN trong lĩnh vực này.

Việt Nam coi trọng vai trò và những đóng góp của HĐNQ trong việc thúc đẩy thực hiện các quyền con người trên thế giới thời gian qua. Việt Nam luôn tham gia tích cực, có trách nhiệm vào các hoạt động của HĐNQ, đặc biệt trong giai đoạn là thành viên HĐNQ nhiệm kỳ 2014-2016. Tại HĐNQ, Việt Nam đề cao và thúc đẩy tinh thần hợp tác, đối thoại, tăng cường hiểu biết để thu hẹp khác biệt, tìm kiếm giải pháp hữu hiệu, bền vững đối với các thách thức về quyền con người, trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, bình đẳng, cùng có lợi.

Việt Nam sẽ tiêp tục tích cực cùng các nước đóng góp vào công việc chung của Hội đồng theo hướng nâng cao tính hiệu quả, minh bạch, khách quan, cân bạng, trên tinh thân đôi thoại, hợp tác, bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau. Dựa trên kinh nghiệm đã có, cam kết và quyết tâm mạnh mẽ, Việt Nam tin tưởng vững chắc vào khả năng của mình đảm đương vai trò thành viên HĐNQ, với những đóng góp tích cực, xây dựng vào công việc chung của Hội đồng.

Các cam kết tự nguyện của Việt Nam khi trở thành thành viên HĐNQ LHQ

Trong thời gian tới, Việt Nam cam kết tiếp tục nỗ lực bảo đảm sự thụ hưởng ngày càng tốt hơn các quyền và tự do cơ bản của mọi người dân Việt Nam, không để ai bị bỏ lại phía sau; đồng thời đóng góp tích cực, hiệu quả vào các nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế trong thúc đẩy và bảo vệ quyên con người. Trong đó, Việt Nam tập trung vào các ưu tiên sau:

(i) Đẩy mạnh xây dựng Nhà nước pháp quyền, cải cách pháp luật để củng cố nền tảng thể chế, pháp lý và chính sách liên quan đến quyền con người, tăng cường nội luật hóa các Điều ước quốc tế về quyền con người vào pháp luật Việt Nam.

(ii) Tăng cường các biện pháp, chính sách và nguồn lực nhằm đảm bảo tốt hơn tất cả các quyền cơ bản của con người về kinh tế, xã hội, văn hóa và dân sự, chính trị theo chuẩn mực quốc tế được thừa nhận chung về quyền con người.

(iii) Đảm bảo thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững, chú trọng giảm bền vững nghèo đa chiều, giảm thiểu bất bình đẳng, xóa bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc bảo đảm sinh kế bền vững cho người dân và nâng cao chất lượng và khả năng tiếp cận dịch vụ, tăng cường an sinh xã hội, khả năng chống chịu (resilience) trước các thiên tai và dịch bệnh, nhất là đối với các nhóm dễ bị tổn thương.

(iv) Tăng cường hơn nữa giảo dục về quyền con người nhằm nâng cao nhận thức của người dân và năng lực của các cơ quan thực thi pháp luật, trong đó có việc triển khai Đề án đưa nội dung quyền con người vào chương trình giáo dục quốc dân từ bậc mầm non đến đại học.

(v) Thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các khuyến nghị UPR chu kỳ III mà Việt Nam chấp thuận, các cam kết và nghĩa vụ theo các Công ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam là thành viên, nhất là thông qua việc xây dựng và triển khai hiệu quả các Kế hoạch cấp quốc gia trong các lĩnh vực này.

(vi) Tăng cường đối thoại và hợp tác thực chất với tất cả các nước, các cơ chế LHQ về quyền con người.

(vii) Đóng góp, thúc đẩy đối thoại, hợp tác, sự khoan dung và hiểu biết lẫn nhau giữa các nước, các chủ thể khác nhau, trên cơ sở tôn trọng các nguyên tắc độc lập, chủ quyền, bình đẳng và cùng có lợi.

(viii) Tham gia tích cực và có trách nhiệm vào việc thúc đẩy các vấn đề trong chương trình nghị sự của HĐNQ, nhất là các nội dung quyền của các nhóm dễ tổn thương, tác động của biến đổi khí hậu đối với thụ hưởng quyền con người, góp phần nâng cao vai trò và hiệu quả hoạt động của HĐNQ.

(ix)Đóng góp tích cực vào tiến trình kiểm điểm HĐNQ, nhất là việc cải tiến hiệu quà hoạt động của các cơ chế trực thuộc như cơ chế UPR, trong việc giải quyết các thách thức về quyền con người.

(x) Tăng cường tham gia và có đóng góp thiết thực nhằm thúc đẩy hợp tác trong ASEAN về quyền con người, đặc biệt tại Ủy ban liên chính phủ ASEAN về quyền con người (AICHR) và trong việc triển khai thực hiện Tuyên ngôn Nhân quyền ASEAN.

--------------------------------------------------------------------------------

[1] United Nations, “The Three Pillars of the United Nations”, http://www.un.org/un70/en/content/videos/three- pillars

[2] UN Offĩce of High Commissioner on Human Rights, “Human Rights Bodies”,

http://www.ohchr.org/EN/HRBodies/Pages/HumanRightsBodies.aspx

[3] Một số tài liệu nghiên cứu của các tổ chức phi chính phủ về quyền con người (Nonvegian Centre for Human Rights, Asian Human Rights Commission...) gọi các cơ chế này là “charter-based mechantsm” và “treaty-based mechanism”. Tuy nhiên, các văn bản, tài liệu chính thức của LHQ đều sử dụng từ “bodies” chứ không sử dụng “mechanisms” để chì các cơ chế của LHQ về quyền con người.

[4] Đại hội đồng LHQ, “Nghị quyết A/RES/60/251”, 3/4/2006, http://www2.ohchr.Org/english/bodies/hrcouncil/docs/A.RES.6Q.251 En.pdf

[5] Nhiệm kỳ 3 năm, được các nước bầu theo hình thức bỏ phiếu kín

[6]  UN Offĩce of High Commissioner on Human Rights, “The Core International Human Rights Treaties”, http://www.ohchr.org/Documents/Publications/CoreTreatiesen.Ddf

[7] Trước năm 2011, Việt Nam mới chi đón 3 thủ tục đặc biệt, gồm Báo cảo viên đặc biệt về tự do tôn giảo và tín ngưỡng vào năm 1998, Chuyên gia độc lập về các vấn đề thiểu sổ (tháng 7/2010), Chuyên gia độc lập về đói nghèo cùng cực và nhân quyền (tháng 8/2010).

[8] Công ước về Quyền Dân sự, Chính trị (ICCPR); Công ước về quyền Kinh tế, Văn hoá, Xã hội (ICESCR); Công ước về Xoá bỏ mọi hình thức phân biệt đối xù với phụ nữ (CEDAW); Công ước về Xoá bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc (ICERD); Công uớc Quyền Trẻ em (CRC) và hai Nghị định thư bổ sung về trẻ em trong xung đột vũ trang và chống sử đụng trẻ em trong các hoạt động mại dâm và tranh ảnh khiêu dâm; Công ước về Quyền cùa Người khuyết tật (CRPD); Công ước Chống tra tẩn và các hình thức đổi xừ hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người (CAT).

đơn vị trực thuộc

video sự kiện

  • Kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc (Phần 1)

  • Họp báo Ngày hội Kết nối thương hiệu

  • SACOMBANK APPLE PAY

  • NGÂN HÀNG TMCP SÀI GÒN THƯƠNG TÍN (SACOMBANK) – ĐỒNG HÀNH CÙNG PHÁT TRIỂN

  • Giới thiệu Ngày hội Kết nối Thương hiệu

  • Phim tài liệu: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Nhà lãnh đạo kiên trung, trí tuệ và mẫu mực

  • Tọa đàm Thực trạng nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức và xây dựng Đảng về đạo đức thời kỳ đổ

  • Hành trình theo chân Bác năm 2024

  • HỒ CHÍ MINH - KHÁT VỌNG ĐỔI MỚI

  • Đảng ủy Khối tặng quà tết cho người dân khó khăn trước thềm năm mới Giáp Thìn 2024 tại 02 xã thuộc h

  • Hội nghị tổng kết công tác xây dựng Đảng năm 2023 của Đảng bộ Khối

  • Hội thi Công dân thành phố

  • Triển lãm tác phẩm Mỹ thuật chủ đề "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh"

  • 10 ca khúc sáng tác mới về Chủ tịch Hồ Chí Minh

  • CHUYÊN ĐỀ TOÀN KHÓA ĐẠI HỘI XIII - HỌC TẬP VÀ LÀM THEOTƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH

  • KỶ NIỆM 110 NĂM NGÀY BÁC HỒ RA ĐI TÌM ĐƯỜNG CỨU NƯỚC (05/6/1911 – 05/6/2021)

  • Video Quy Trình Bỏ Phiếu Bầu Cử Đại Biểu Quốc Hội, HĐND Các Cấp

  • Bài hát Mỗi Lá Phiếu - Một Niềm Tin

  • VIDEO CHÀO MỪNG KỶ NIỆM 131 NĂM NGÀY SINH CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH (19/5/1890 – 19/5/2021)

  • [Trực tiếp] Bế mạc Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng

  • Khai mạc Đại hội Đảng bộ TP.HCM nhiệm kỳ 2020-2025

  • Đảng ủy Bộ Công Thương triển khai nhiệm vụ năm 2021