"Từ bỡ ngỡ đến tự hào" là cảm xúc chung của các bạn trẻ sau nhiều ngày tham gia đội tình nguyện của thành phố.
“Muốn góp sức vào cuộc chiến chống dịch”, “Thấy y bác sĩ cực quá nên giúp một tay”, “Vui vì được san sẻ công việc với nhân viên y tế”... là chia sẻ của các sinh viên khi đăng ký tham gia hỗ trợ công tác chống dịch tại TP.HCM.
Mỗi người có bối cảnh riêng, câu chuyện riêng, song tất cả đều cùng chung mong muốn góp sức mình vào đội tình nguyện của thành phố.
Trong cuộc phỏng vấn với Zing, 6 sinh viên đang sống và học tập tại TP.HCM chia sẻ lại cảm xúc, kỷ niệm của họ trong quá trình làm công tác tình nguyện tại các địa phương có dịch.
Trương Ngọc Sơn Tuyền (19 tuổi, TP Thủ Đức, Cao đẳng Kinh tế Đối ngoại)
0h ngày 4/6, tôi trở về nhà sau ca trực kéo dài 4 tiếng. Hôm nay, tôi được tham gia hỗ trợ các y bác sĩ lấy mẫu xét nghiệm của hàng trăm cư dân phường Tân Thới Nhất, quận 12.
“Làm nhiệm vụ chớ chạy lăng xăng, chú ý an toàn và ăn uống đầy đủ nghen”, bà tôi nhắn nhủ khi thấy cháu gái về khuya.
Vài ngày trước, gia đình rất lo lắng khi biết tôi quyết định đăng ký tham gia hỗ trợ chống dịch Covid-19. Nhưng sau khi chứng kiến hình ảnh lực lượng chức năng vất vả nơi tuyến đầu, cả nhà chuyển sang ủng hộ, khuyên tôi cố gắng góp sức.
Lần đầu khoác lên mình bộ đồ bảo hộ, cảm giác nóng “hầm hập” khiến tôi giật mình, mồ hôi túa ra như tắm chỉ sau nửa giờ mặc. Song, mọi cảm giác bí bách, mệt mỏi dường như biến mất khi bắt đầu công việc.
Chỉ khi đặt lưng xuống giường, tôi mới thực sự thấm thía cơn nhức mỏi chạy dọc toàn thân. Thế nhưng, tôi thấy điều này chưa hề gì so với nỗi vất vả mà các y bác sĩ, công an và dân quân phải gánh vác.
Lần đầu mặc trang phục bảo hộ, Sơn Tuyền (19 tuổi) mới thật sự thấm thía nỗi vất vả của các y bác sĩ nơi tuyến đầu. Ảnh: NVCC.
Lượng công việc khổng lồ và áp lực thời gian khiến họ hiếm có phút nghỉ ngơi, chỉ vội ăn chiếc bánh bao, bánh mì và uống hớp nước lấy sức trước khi tiếp tục lấy mẫu, điều tiết người dân ở khu vực phong tỏa.
Thi thoảng giữa ca trực, tôi ngước lên nhìn “đội quân áo trắng” quanh mình mà thấy rưng rưng.
Các y bác sĩ, tình nguyện viên đều giấu mặt sau chiếc khẩu trang và kính chắn giọt bắn, chẳng thể nhận ra ai với ai. Hễ cảm thấy mệt mỏi, mọi người lại nheo nheo đôi mắt, ra dấu khích lệ tinh thần lẫn nhau.
Tôi cảm thấy mình thật may mắn khi được gia đình ủng hộ, đồng đội hỗ trợ và người dân tin tưởng, động viên. Dù công việc vất vả, tôi tự hào khi có thể góp sức cho cuộc chiến chống dịch.
Lê Minh Trí (20 tuổi, quận 1, Đại học VinUni)
Đây là ngày thứ 5 tôi về nhà lúc nửa đêm. Từ lúc đăng ký làm tình nguyện viên hỗ trợ công tác phòng, chống dịch, hiếm bữa nào tôi về đúng giờ ăn cơm với bố mẹ.
Thấy con trai đi sớm về muộn, mẹ tôi hỏi khéo: “Hay là nghỉ vài hôm đi, rồi ít bữa đi tiếp, mẹ thấy xót quá”.
Tôi cũng từng nghĩ như mẹ. Nhiều ngày liền đứng liên tục mấy tiếng đồng hồ, mặc đồ bảo hộ giữa trời nắng như đổ lửa, tôi có chút mệt và đuối sức.
Những hôm hỗ trợ lấy mẫu, tôi chỉ mong được ngả lưng vài phút vào đâu đó cho đỡ mệt. Nhưng nghĩ đến nhiều người vẫn đang chờ để được xét nghiệm, tôi lại tự động viên bản thân và tiếp tục công việc.
Nhiệm vụ của tôi thay đổi linh hoạt theo từng ngày. Ngoài điều động lấy mẫu xét nghiệm cho bà con ở quận 12, tôi còn trực các khu vực cách ly (trước nhà những ca F0, hẻm có ca bệnh) và kiểm soát chốt giao thông tại quận Gò Vấp.
"Ngay cả khi khát nước tụi mình cũng không dám uống quá nhiều vì nếu như cần đi vệ sinh thì phải cởi bỏ đồ bảo hộ đang mặc. Vậy sẽ lãng phí lắm", Minh Trí cho hay.
Đuối nhất là lúc trời mưa to, chốt kiểm soát đứng không vững khiến cả đội phải thay phiên nhau ra chặn. Song cái mệt nhanh chóng vơi đi khi chúng đội nhận được những lời khích lệ, gói quà nhỏ từ người đi đường.
Khoảnh khắc khiến tôi xúc động nhất là ở các điểm lấy mẫu, mỗi khi đoàn xe của y bác sĩ đi vào, tất cả tình nguyện viên đứng thành hàng vỗ tay chào đón mọi người.
Những ngày tham gia chống dịch đã cho tôi nhiều kỷ niệm quý giá ngoài bài học về sự tử tế và lòng biết ơn. Tôi thầm tự nhủ sẽ tiếp tục cố gắng cho đến khi hết dịch và mong mọi thứ sớm ổn định trở lại.
Nguyễn Kiên Cường (19 tuổi, Bình Thạnh, Học viện Cán bộ TP.HCM)
Kể từ khi Covid-19 bùng phát, tôi từng 3 lần tham gia công tác tình nguyện ở địa phương, nhận nhiệm vụ phát tờ rơi, khuyến cáo cư dân thực hiện biện pháp 5K.
Lần này, tôi chủ động đăng ký hỗ trợ lực lượng chức năng ở các khu vực phong tỏa, trực chốt chặn và đảm bảo cư dân tuân thủ giãn cách xã hội.
Vài ngày gần đây, tôi đều đặn vượt 10 km giữa trưa nắng để có mặt tại điểm tập kết lúc 13h, chuẩn bị cho ca trực chiều. Thời tiết khắc nghiệt phần nào khiến công việc khó khăn hơn với nhiều thành viên, trong đó có tôi.
Mấy ngày đầu tiên trực chốt, tôi cảm thấy khá đuối sức vì chưa quen với cường độ công việc. Nhờ có sự hỗ trợ từ lực lượng chức năng, các tình nguyện viên, tôi dần bắt kịp nhịp độ và xử lý tình huống tốt hơn.
Kiên Cường (19 tuổi) cho biết cậu từng tham gia nhiều chương trình tình nguyện, nhưng đây là lần đầu được trực tiếp hỗ trợ lực lượng chức năng chống Covid-19. Ảnh: NVCC.
Điều khiến tôi cảm động nhất khi đi làm tình nguyện viên chống Covid-19 là tình cảm từ cư dân địa phương.
“Ít hôm nữa là hết dịch rồi”, “Chú ý ăn uống, đừng để xỉu nghen” - những lời động viên vội vàng, kèm theo bánh trái và thức uống mát lạnh do người dân gửi tặng khiến các tình nguyện viên như được tiếp thêm sức lực vậy.
2 ngày trước, khi đang làm nhiệm vụ ở phường 9 (quận Gò Vấp), bạn gái tôi bất ngờ qua thăm. Không quản đường xa hay trời nắng, bạn ấy đem theo đồ ăn, thức uống và vài hộp găng tay y tế để tặng lực lượng dân quân, tình nguyện viên chúng tôi.
“Ráng lên nhé, dịch bệnh rồi sẽ qua thôi!”, bạn nhắn nhủ tôi, cũng như tất cả lực lượng chức năng.
Ngô Quang Minh (20 tuổi, quận 12, Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch)
Từ ngày hỗ trợ công tác nhập liệu tại các điểm xét nghiệm, tôi gần như “phượt” cả thành phố. Sáng ở Gò Vấp, chiều về quận 12, tối qua Tân Phú đã là chuyện thường ngày.
Mỗi ngày, tôi được nhóm trưởng phân công nhiệm vụ tùy theo tình hình của từng địa điểm. Ngoài công việc chính, đội tình nguyện viên còn phụ lấy mẫu nếu người dân đến quá đông và thiếu nhân viên y tế.
Một ca làm việc kéo dài 8 tiếng. Nhưng chúng tôi thường nán lại lâu hơn để nhập cho xong những số liệu còn dang dở.
Quang Minh cho biết những hôm chưa nhập liệu xong, nhiều bạn vẫn nán lại đến tận khuya. Ảnh: NVCC.
Lần đầu tham gia chống dịch, tôi có chút bỡ ngỡ nhưng cũng khá tự hào về bản thân. Những lúc làm việc căng thẳng, chúng tôi thường lấy niềm vui lấn át cái mệt.
Công việc tuy có chút áp lực nhưng tôi thấy vẫn chưa là gì so với các y, bác sĩ, lực lượng dân quân ngày đêm chiến đấu ở tuyến đầu. Họ là những người đã xóa đi cái tên riêng của bản thân để khoác lên mình một màu áo chung vì đất nước.
Tôi nhiều lần bắt gặp hình ảnh các anh chị nhân viên y tế chợp mắt 5-10 phút trên hàng ghế rồi nhanh chóng quay lại công việc. Điều tôi mong muốn nhất lúc này là có thể gánh vác nhiều công việc hơn để mọi người có thêm thời gian nghỉ ngơi.
Hà Dương Bảo Ngọc (19 tuổi, Tân Bình, Đại học Sư phạm TP.HCM)
“Con biết mình huyết áp thấp mà vẫn muốn đi hả? Trời nắng nóng, mặc đồ bảo hộ lâu lỡ xỉu thì sao? Lúc đó không giúp được ai, mà còn gây phiền các bác sĩ đó!”.
Tôi nhớ như in tiếng mẹ thảng thốt qua điện thoại khi biết con gái ngỏ ý đi tình nguyện chống dịch. Do anh trai tôi đang tham gia hỗ trợ các y bác sĩ, bà càng thêm lo lắng khi đứa út cũng muốn theo chân.
Tôi từng chùn bước vì băn khoăn về tình trạng sức khỏe. Nhưng, khi theo dõi thông tin về dịch bệnh qua báo đài, nhất là video em bé bật khóc khi thấy mẹ là bác sĩ tuyến đầu trên TV, tôi cũng rưng rưng theo và càng quyết tâm tham gia.
Ngay khi Thành Đoàn TP.HCM mở đơn tuyển, tôi lập tức đăng ký vào vị trí trực chốt phong tỏa và nhập liệu thông tin.
Mặc đồ bảo hộ trong thời tiết nóng bức nhưng các bạn trẻ vẫn cố gắng hoàn thành nhiệm vụ. Ảnh: ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch.
Thời gian đầu, lượng công việc nhiều và thời tiết nóng bức khiến tôi dễ đuối sức, hiệu suất không được như các bạn. Do đó, tôi luôn ý thức ăn uống đầy đủ, tự chăm sóc sức khỏe và trang bị kỹ càng trước khi vào việc để không gây phiền toái cho các y bác sĩ.
Việc nhiều là vậy, nhưng nhờ sự đồng lòng mà cả nhóm đều hoàn thành xong. Anh em trong nhóm thường đùa rằng, trở ngại lớn nhất chính là thời tiết.
Mong trời bớt nắng nóng, thuận lợi hơn một chút để lực lượng chức năng và thanh niên tình nguyện có thể làm việc hiệu quả hơn.
Nguyễn Đức Công (20 tuổi, TP Thủ Đức, Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM)
Khi nhìn thấy hình ảnh những nhân viên y tế kiệt sức, ngất xỉu trên mạng xã hội, tôi thôi thúc bản thân nhất định phải đăng ký vào đội tình nguyện. Ngoài góp sức mình, tôi muốn san sẻ một phần khối lượng công việc với mọi người.
Ngày đầu tiên, tôi được phân nhiệm vụ hỗ trợ dọn dẹp tại ký túc xá ĐH Quốc gia TP.HCM. Các ngày sau, tôi tham gia trực chốt cách ly cùng các chiến sĩ dân quân.
Do thuộc nhóm phản ứng nhanh nên tôi luôn trong tâm thế sẵn sàng khi nhận được thông báo từ ban quản lý.
Dọn dẹp ký túc xá là nhiệm vụ đầu tiên của Đức Công trong vai trò tình nguyện viên.
Nhiều hôm được gọi gấp, tôi phải vội đi ngay dù có là trưa nắng. Làm việc vất vả nhưng ai cũng vui vẻ, nhiệt tình. Trong đội có nhiều bạn nữ, dù là việc nặng hay việc nhẹ, các bạn đều xung phong đảm nhận, không ngại khó khăn.
Dưới thời tiết nóng bức, chúng tôi cùng động viên nhau: “Cố lên nhé, một chút nữa thôi”. Cứ người này truyền cho người kia, cả đội nhanh chóng lấy lại tinh thần để tiếp tục công việc.
Đến chiều, trời đổ cơn mưa bất chợt, cái oi nồng mới vơi đi phần nào. Những ngày làm tình nguyện viên có chút cực nhọc, song tất cả đều hướng về một mục tiêu là nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ, cùng nhau đẩy lùi dịch bệnh.
Trang Minh - Phương Thảo (Nguồn Zingnews.vn)
Họp báo Ngày hội Kết nối thương hiệu
SACOMBANK APPLE PAY
NGÂN HÀNG TMCP SÀI GÒN THƯƠNG TÍN (SACOMBANK) – ĐỒNG HÀNH CÙNG PHÁT TRIỂN
Giới thiệu Ngày hội Kết nối Thương hiệu
Phim tài liệu: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Nhà lãnh đạo kiên trung, trí tuệ và mẫu mực
Tọa đàm Thực trạng nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức và xây dựng Đảng về đạo đức thời kỳ đổ
Hành trình theo chân Bác năm 2024
HỒ CHÍ MINH - KHÁT VỌNG ĐỔI MỚI
Đảng ủy Khối tặng quà tết cho người dân khó khăn trước thềm năm mới Giáp Thìn 2024 tại 02 xã thuộc h
Hội nghị tổng kết công tác xây dựng Đảng năm 2023 của Đảng bộ Khối
Hội thi Công dân thành phố
Triển lãm tác phẩm Mỹ thuật chủ đề "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh"
10 ca khúc sáng tác mới về Chủ tịch Hồ Chí Minh
CHUYÊN ĐỀ TOÀN KHÓA ĐẠI HỘI XIII - HỌC TẬP VÀ LÀM THEOTƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH
KỶ NIỆM 110 NĂM NGÀY BÁC HỒ RA ĐI TÌM ĐƯỜNG CỨU NƯỚC (05/6/1911 – 05/6/2021)
Video Quy Trình Bỏ Phiếu Bầu Cử Đại Biểu Quốc Hội, HĐND Các Cấp
Bài hát Mỗi Lá Phiếu - Một Niềm Tin
VIDEO CHÀO MỪNG KỶ NIỆM 131 NĂM NGÀY SINH CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH (19/5/1890 – 19/5/2021)
[Trực tiếp] Bế mạc Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng
Khai mạc Đại hội Đảng bộ TP.HCM nhiệm kỳ 2020-2025
Đảng ủy Bộ Công Thương triển khai nhiệm vụ năm 2021